Trồng sầu riêng lợi nhuận gấp 20 lần trồng lúa?

Nhiều nhà vườn miền Tây đang ồ ạt chuyển đổi canh tác từ mít Thái siêu sớm và lúa sang trồng sầu riêng khi giá loại trái cây này lên cao kỷ lục.

“Cứ đột phá, sự thể muốn ra sao thì ra”
Đó là tâm lý của nhiều nông dân trong việc chuyển đổi từ đất lúa cũng như các loại hoa màu khác sang trồng sầu riêng khi giá loại trái cây này tăng vùn vụt.

Chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão, giá sầu riêng tại vườn đã bất ngờ lên đến 200.000 đồng/kg càng khiến chị Nguyễn Thị Loan (ngụ xã Tân Hội, TX.Cai Lậy, Tiền Giang) tự tin với việc chặt bỏ 3 công mít Thái siêu sớm để chuyển sang trồng cây sầu riêng là đúng đắn.

Theo chị Loan, 5 năm trước, gia đình chị chuyển đổi 3 công lúa sang trồng mít Thái siêu sớm vì cây cho trái to, thời gian thu lợi ngắn, giá bán cao. Tuy nhiên, sau 18 tháng thu hoạch thì giá mít giảm dần, thậm chí thương lái không mua. Nghiêm trọng hơn, sau 2 mùa thu hoạch, cây mít bắt đầu còi cọc vì không phù hợp thổ nhưỡng.

Từ sau Tết Nguyên đán 2023, giá sầu riêng cao kỷ lục nên nông dân miền Tây rất phấn khởi
Từ sau Tết Nguyên đán 2023, giá sầu riêng cao kỷ lục nên nông dân miền Tây rất phấn khởi

“Hồi trước tết, tôi quyết định cải tạo diện tích đất lúa còn lại và 3 công mít Thái siêu sớm để chuyển hết sang trồng sầu riêng. Nói chung, giá loại trái cây nào cũng có lúc lên lúc xuống, nhưng chỉ có sầu riêng mới có thể tạo đột phá trong thu nhập. Bởi một công sầu riêng nếu trúng mùa, trúng giá thì nhà vườn có thể lãi đến hơn 200 triệu đồng, gấp 20 lần trồng lúa”, chị Loan hào hứng.

Theo ước tính của nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang, chi phí chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng tính đến thời điểm cây cho thu hoạch (khoảng 5 năm) mất khoảng 1 tỉ đồng/ha.

Ông Trần Văn Bốn (ngụ H.Cái Bè, Tiền Giang) bộc bạch: “Phải khẳng định rằng, tiền bạc đầu tư chuyển đổi từ lúa sang vườn sầu riêng là quá lớn đối với nông dân trồng lúa như chúng tôi. Tôi làm 6 công lúa, may mắn lắm cũng chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ. Cuộc sống chan chát như vậy riết cũng hết ham nên thôi kệ, cứ đột phá một lần rồi sự thể có ra sao thì ra”.

Theo quy hoạch chuyển đổi cây trồng của tỉnh Tiền Giang, đến năm 2025, diện tích sầu riêng của tỉnh là 20.000 ha. Thế nhưng, cuối năm 2022, diện tích sầu riêng của H.Cai Lậy đã hơn 10.000 ha và ở H.Cái Bè, TX.Cai Lậy cũng tương đương như vậy. Thậm chí, H.Tân Phước (vốn nổi tiếng với nghề trồng khóm) cũng đã có hàng trăm ha sầu riêng được trồng mới.

Báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Long An thừa nhận, diện tích trồng sầu riêng đang tăng nhanh vì nông dân có xu hướng chuyển đổi từ cây trồng khác sang. Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An thông tin, người dân khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh là các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Thủ Thừa đã chuyển đổi mạnh mẽ từ đất lúa sang trồng mít Thái siêu sớm và sầu riêng. Qua thống kê, hiện đã có hơn 2.000 ha đất lúa được chuyển sang trồng 2 loại cây này.

“Cây sinh trưởng, phát triển hiện rất tốt và cũng phù hợp với quy hoạch chuyển đổi sang cây ăn trái của tỉnh. Song, những loại cây này là mới và ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu về tính hiệu quả”, bà Phương Khanh cho hay.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa

Mới đây, tại Tiền Giang đã diễn ra hội thảo để bàn về vấn đề nông dân trồng ồ ạt cây sầu riêng. GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, cho biết sau khi đi thực tế nhiều địa phương, ông phát hiện có nhiều vùng trồng mà thổ nhưỡng không phù hợp, kém hiệu quả với loại cây vốn rất ‘nhát’ mặn này. Miền Tây hiện nay tuy không bị nước mặn đe dọa nhưng lại có nguy cơ bị lũ; hoặc có những vùng ngọt hóa nằm trong đê bao nên nước mặn xâm nhập phải ở trạng thái tù đọng kéo dài, khi đó phèn từ dưới đất xì lên gây ảnh hưởng đến cây sầu riêng.

Sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam lo ngại, thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, tổng diện tích sầu riêng cả nước hơn 80.000 ha, tuy nhiên trên thực tế diện tích này có thể đã đạt 100.000 ha. Việc người nông dân ồ ạt chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng như hiện nay nếu không được kiểm soát tốt sẽ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

“Vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay là đa số người nông dân thiếu kinh nghiệm khi chuyển từ cây lúa sang cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng cần phải có kỹ thuật chăm sóc bài bản nên sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Đặc biệt là rủi ro cả trong việc chọn giống cây trồng, vì nông dân mua giống sầu riêng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng nên khi trồng sẽ không hiệu quả…”- ông Thoại nói.

Nói về khâu tiêu thụ trái sầu riêng, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, cho biết hiện có 3 doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc với 1.000 tấn trái/năm. Như vậy, tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch của trái sầu riêng Tiền Giang rất ít so với tổng sản lượng.

Cũng theo ông Phi, hiện nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam là Trung Quốc, Đài Loan và các nước trong khu vực ASEAN có cộng đồng người Hoa đông đúc. Sầu riêng Việt Nam có lợi thế lớn là thị trường Trung Quốc gần, xuất khẩu sang nước này thuận lợi. Tới đây, thị trường Ấn Độ được đánh giá là có tiềm năng rất lớn với khoảng 1,4 tỉ người. Nếu thị trường Ấn Độ tiêu thụ thì trái sầu riêng Việt Nam sẽ không lo phụ thuộc vào Trung Quốc. Thời gian qua, thị trường Mỹ và EU rất ít tiêu thụ sầu riêng.

PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp túi lưới nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất đi thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Tự công bố, kiểm nghiệm),…

Nguồn tham khảo: https://thanhnien.vn/trong-sau-rieng-loi-nhuan-gap-doi-trong-lua-185230302094449256.htm

5/5 - (7 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top