Nhiều nhà vườn trồng mít Thái ở miền Tây “hốt bạc” khi giá mít cao ngất ngưởng ở mức 52.000 đồng/kg bán lẻ và bán xô với giá gần 40.000 đồng/kg.
Những ngày này nhiều thương lái đã tìm đến các nhà vườn tại xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú, An Giang) thu mua mít của nông dân để xuất khẩu.
Vừa xem thương lái cân mít, ông Huỳnh Văn Gạch, ngụ xã Thạnh Mỹ Tây, vui vẻ cho biết giá mít xô ở mức 39.000 đồng/kg, còn bán lẻ thì giá là 52.000 đồng/kg, trồng mít đang cho thu nhập khủng.
“Năm rồi thời điểm này giá mít chỉ có 7.000 đồng/kg mà không ai mua, còn bây giờ họ tìm kiếm mua mít để xuất khẩu. Tính ra tôi chỉ tốn chi phí 30 triệu cho tiền phân, thuốc cho 300 gốc mít nhưng thu nhập trên 250 triệu đồng. Giá mít cao nên tôi vừa chặt bỏ một số cây bưởi để trồng thêm 150 cây mít, hy vọng 18 tháng sau sẽ cho thu hoạch nữa”, ông Gạch nói.
Ông Phan Văn Bình (ngụ xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) – người vừa trồng thêm 600 cây mít Thái – cho biết nếu giữ giá thế này thì mỗi năm mít Thái cho thu nhập 170 – 200 triệu đồng/công. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều hộ như ông Bình dành hết đất đai để trồng mít.
Theo ông Đặng Thanh Phong – phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, năm 2023 An Giang có 714ha trồng mít, năng suất ước 20 tấn/ha.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con đừng ồ ạt chuyển đổi, đừng chạy theo trào lưu trồng – chặt. Vì cây ăn trái là cây lâu năm, mỗi lần chuyển đổi rất khó” – ông Phong nói.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Vĩnh Long, tỉnh đã có hơn 550ha mít Thái và đang tăng nhanh. Ngành không khuyến cáo người dân trồng mít ồ ạt nhằm tránh cảnh cung vượt cầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp – cho biết tỉnh này có trên 4.000ha trồng mít Thái. Với giá mít gần 40.000 đồng như hiện nay thì nhà vườn trồng mít đang “hốt bạc”.
Đồng Tháp đã làm mã số vùng trồng mít đã cơ bản xong toàn tỉnh và sắp tới làm luôn mã vùng trồng nội địa.
Theo ông Điền, người nông dân nên bình tĩnh trong trồng các loại cây ăn trái vì cây ăn trái là loại cây lâu dài không phải một ngày một bữa mà chặt – trồng. “Đừng để trồng cây ăn trái mà phải vay ngân hàng.
Hiện nay không chỉ mít mà nhiều nông dân đang ồ ạt trồng cây sầu riêng là không ổn, không nên tham. Trước khi thay đổi cây trồng thì nông dân nên biết 3 bước: chi phí, kỹ thuật và chất lượng (tham gia mã số vùng trồng, chất lượng củ, quả).
Vì cây sầu riêng cần nước và chi phí rất lớn, không dễ trồng, dễ ăn như các loại cây trái khác. Nếu không dừng kịp thời sẽ thua lỗ”, ông Điền nói thêm.
PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp túi lưới nhựa – dây đai nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất đi thị trường,…
Nguồn tham khảo: https://tuoitre.vn/gia-mit-cao-gap-5-6-lan-nam-ngoai-nong-dan-lai-do-xo-di-trong-20230312083614578.htm