Sau 3 năm liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina, giờ đây El Nino đang đến gần và có khả năng ở mức cực đoan. Nếu El Nino năm nay cực đoan như hồi mùa mưa 2015 sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy kéo dài ở ĐBSCL trong mùa lũ sắp tới và cả khô hạn năm sau. Đây là thời điểm cần chuẩn bị ứng phó.
El Nino đang đến gần
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ hai sự kiện El Nino cực đoan đã xảy ra hồi mùa mưa 2015 và mùa mưa 2019 kéo theo sự kiện hạn mặn cực đoan mùa khô 2016 và 2020 làm mặn xâm nhập sâu vào đất liền, gây thiệt hại cho vụ lúa nông nghiệp mùa khô ven biển và gây thiếu nước ngọt cho hàng trăm ngàn người ở 8 tỉnh ven biển ĐBSCL.
Chúng ta đã trải qua 3 năm liền với tình trạng La Nina mưa nhiều nên không có hạn mặn. Việc có 3 năm La Nina liên tiếp như vậy cũng là sự kiện hiếm. Như là quy luật cân bằng, sau nhiều năm La Nina thì sẽ xuất hiện điều kiện El Nino.
El Nino và La Nina là giai đoạn ấm và lạnh của khí hậu. Hai hiện tượng này thường thay phiên nhau lặp lại theo chu kỳ khoảng 2 đến 7 năm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày nay, các hiện tượng El Nino và La Nina có thể trở nên cực đoan và xuất hiện thường xuyên hơn. Đối với ĐBSCL và các quốc gia trong vùng Mê Kông, khi có El Nino thì lượng mưa giảm và ngược lại khi có La Nina thì lượng mưa nhiều.
Theo bản tin cập nhật của Cơ quan Dự báo thời tiết khí hậu Mỹ công bố ngày 13.4.2023, tình trạng La Nina đã chấm dứt vào tháng 3.2023. Hiện nay chúng ta đang trong tình trạng ENSO trung tính. Tình trạng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục ở Bắc bán cầu đến tháng 5, tiếp theo đó có thể xuất hiện El Nino với xác suất 62% khoảng tháng 5 – 6.2023. Các mô hình dự báo đều có sự đồng thuận khá cao về kết quả dự báo này.
ĐBSCL bị ảnh hưởng
El Nino thì gần như chắc chắn đang đến nhưng chưa biết mạnh hay yếu. Trong tình huống một El Nino mạnh diễn ra thì kịch bản cho ĐBSCL sẽ là mùa mưa sắp tới từ tháng 5 – 11.2023 ở các quốc gia lưu vực sông Mê Kông và ở ĐBSCL sẽ ít. Nếu El Nino năm nay cực đoan như hồi 2015 thì lượng mưa trong mùa mưa 2023 sắp tới sẽ thấp như lượng mưa 2015.
Lượng mưa ít trên lưu vực sông Mê Kông dẫn đến mùa lũ năm nay sẽ thấp. Lượng thủy sản tự nhiên của sông Mê Kông trôi về ĐBSCL sẽ ít đi vì cá không có nhiều môi trường để sinh sản. Ngoài ra, lượng phù sa bùn cát trôi về ĐBSCL theo mùa lũ cũng sẽ thấp.
Mùa lũ thấp sẽ ảnh hưởng đến vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, nhất là các mô hình canh tác và sinh kế dựa vào mùa lũ như nuôi cá trên đồng, nuôi tôm càng xanh trên đồng và các loại hình du lịch dựa vào mùa lũ. Tiếp theo đó, mùa khô sau tết 2024, hạn mặn có thể gay gắt ở vùng ven biển ĐBSCL, mặn có thể sẽ lấn sâu vào đất liền.
Khi nói về rủi ro hạn mặn ĐBSCL cần phải xét hai vùng riêng biệt là vùng cửa sông Cửu Long và vùng bán đảo Cà Mau vì hai vùng này rất khác nhau.
Vùng cửa sông Cửu Long do vị trí nằm ở phía cuối của lưu vực Mê Kông cho nên vùng này chịu ảnh hưởng của biến động lượng nước ở phía thượng nguồn Mê Kông, trong đó gồm biến đổi khí hậu ở thượng nguồn và sự vận hành của các hồ thủy điện.
Năm nào có El Nino mưa ít thì mùa lũ sông Mê Kông thấp và sang đến mùa khô dòng sông Mê Kông yếu. Khi mực nước sông Mê Kông thấp, các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy turbine phát điện thì phải đóng đập để tích nước cho đủ độ sâu. Đập trên đóng thì đập dưới và đập kế tiếp phải chờ. Nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu, khi đó tình hình hạn mặn ĐBSCL sẽ rất gay gắt. Tức là khi xảy ra tình trạng khô hạn thì thủy điện Me Kông làm cho tình hình hạn mặn tồi tệ thêm.
Gặp những năm El Nino cực đoan và thủy điện làm cho tồi tệ thêm như thế thì ở ĐBSCL các công trình ngăn mặn ven biển chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn không có nước.
Ngược lại, những năm nào có lượng mưa bình thường hay có hiện tượng La Nina gây mưa nhiều, nước sông Mê Kông dồi dào, mùa lũ cao thì thủy điện sẽ lấy bớt nước lũ trữ vào hồ và đợi đến mùa khô xả ra phát điện làm gia tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn ở ĐBSCL.
Trong khi đó, vùng bán đảo Cà Mau ít chịu ảnh hưởng của sông Cửu Long. Lượng nước ở đây chủ yếu là do mưa tại chỗ. Ở vùng này, đất bên dưới là đất mặn, hằng năm có lớp nước mưa phủ lên bề mặt nên được 6 tháng ngọt nhưng khi sang mùa khô thì mặn vì hết nước ngọt.
Đối với vùng bán đảo Cà Mau, gặp những năm khô hạn cực đoan, công trình ngăn mặn chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn được mặn từ biển vào thì bên trong cũng không có nước và mặn từ dưới đất được mao dẫn đưa lên vì đất bên dưới vùng này là mặn.
PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp Dây đai nhựa – Túi lưới nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất đi thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Tự công bố, kiểm nghiệm),…
Nguồn tham khảo: https://thanhnien.vn/dbscl-doi-dien-nguy-co-han-man-185230421223815409.htm