Ngoài thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng xuất khẩu trái cây sang các thị trường mới.
Xuất khẩu trái cây tăng trưởng mạnh
Những ngày đầu tháng 5, lô sầu riêng Ri6 với khối lượng 5 tấn do Công ty TT Meridian Ltd (Anh) nhập khẩu chính ngạch đã được phân phối đến các siêu thị tại Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ Thương vụ VN tại Anh, cho biết chất lượng sầu riêng Ri6 vượt trội cộng với ưu đãi miễn thuế nhập khẩu nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt – Anh (UKVFTA) đã giúp sầu riêng VN có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh so với sầu riêng từ các nước khác. Cụ thể, sầu riêng của VN được hưởng mức thuế ưu đãi 0%, trong khi các nước khác là 8%. Nhờ đó, ngoài sầu riêng thì nhiều sản phẩm của VN có lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nước Nam Mỹ.
Ngoài sầu riêng, bưởi Diễn Yên Thủy (Hòa Bình) trước đó cũng đã được xuất khẩu chính ngạch với sản lượng 11 tấn và lần đầu tiên được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan (Anh) và nhận được sự chào đón của cộng đồng người Việt cũng như người tiêu dùng sở tại. Đồng thời, hơn 5 tấn bưởi đỏ Tân Lạc của Công ty cổ phần Fusa (Hòa Bình) cũng lần đầu tiên đến Anh qua đường nhập khẩu chính ngạch của tập đoàn Longdan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các thị trường xuất khẩu trái cây đang có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ quý 1/2022 như: Hàn Quốc đạt 47 triệu USD, tăng 13%; Nhật Bản đạt 40 triệu USD, tăng 11%; Hà Lan đạt 32 triệu USD, tăng tới 91%; UAE tăng 23% và Malaysia tăng 36%.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: “Chúng ta vẫn hay nói về việc trái cây Thái Lan “ngập” thị trường VN, tuy nhiên nếu nhìn vào con số của hải quan thì sẽ thấy điều ngược lại. Trong 3 tháng đầu năm nay chúng ta chỉ nhập của họ có
8,4 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm như bòn bon, măng cụt, sầu riêng, me… Nhưng ở chiều ngược lại chúng ta xuất sang họ tới 22,5 triệu USD. Điều này cho thấy mặt hàng rau quả của VN vẫn đang cạnh tranh tốt với hàng của Thái Lan ngay trên đất của họ”.
Mặc dù có sự tăng trưởng ở các thị trường khó tính trên thế giới nhưng thực tế rau quả VN vẫn đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vì lợi thế về địa lý và thời gian bảo quản ngắn. Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết: “Tình hình xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm rất khả quan, nhu cầu tiêu thụ cao và tăng trưởng đều ở nhiều thị trường khác nhau. Nhưng thực tế là so về thị phần và mức tăng trưởng thì Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ rau quả VN nhiều nhất. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc những tháng đầu năm đạt 576 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; chiếm thị trường tới 59 – 60% trong tổng xuất khẩu của rau quả VN”.
Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), cũng bộc bạch: “Năm trước, khi Trung Quốc đóng biên, chúng tôi đã nỗ lực khai phá thêm nhiều thị trường tiêu thụ thanh long ở khu vực Trung Đông như UAE, Bangladesh… Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc ăn hàng trở lại, giá tăng cao nên chúng tôi chỉ tập trung bán cho khách hàng nước này, còn các thị trường khác thì lợi nhuận không bằng”.
Sầu riêng, thanh long đổ về Trung Quốc
Theo Bộ NN-PTNT, trong 3 tháng đầu năm, sầu riêng chưa vào chính vụ nên xuất khẩu chỉ mang tính cầm chừng. Bước sang tháng 4 – 5, nguồn cung sầu riêng bắt đầu lớn nên dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Theo đó, dù chưa vào chính vụ nhưng trong 3 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu sầu riêng của VN đã tăng mạnh. Riêng thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng đã tương đương với thanh long, với tỷ trọng 23%; còn tính chung các thị trường thì tỷ trọng của sầu riêng là 16% và thanh long là 17%. Số liệu của ngành hải quan cho thấy trong quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của VN đạt 153 triệu USD, tăng tới hơn 8,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với gần 134 triệu USD.
Đối với mặt hàng thanh long, khoảng 2 tuần gần đây nhiều thương lái Long An, Tiền Giang tích cực săn lùng thu mua thanh long cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu. Một số thương lái cho biết giá thanh long hiện đang tăng cao vì thị trường Trung Quốc hút hàng. Thanh long ruột đỏ loại 1 đang được thương lái thu mua ở các nhà vườn với giá 42.000 đồng/kg; thanh long loại 2 đứng ở mức 37.000 đồng/kg, loại 3 ở mức 32.000 đồng/kg. Đối với thanh long ruột trắng, giá hiện nay đang ở mức hơn 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, bà con trồng thanh long thu lợi nhuận lớn, do hiện nay giá thành trồng thanh long nếu chong đèn sẽ rơi vào khoảng 15.000 đồng/kg, còn trồng đúng mùa vào khoảng 10.000 đồng/kg.
Ông Đặng Phúc Nguyên phân tích: “Hiện nay thanh long vẫn đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi Trung Quốc ăn hàng mạnh thì giá lên và ngược lại, khi Trung Quốc không thu mua thì giá xuống. Từ trước tết kéo dài đến dịp lễ Thanh minh (tháng 3 âm lịch) là cao điểm tiêu thụ thanh long ở Trung Quốc, vì đây là loại quả người Trung Quốc rất thích dùng trong các mâm lễ chưng cúng. Sản lượng thanh long trong nước thời điểm này chưa nhiều nên hút hàng, giá cao, nhưng khoảng 1 tháng nữa thì VN bước vào vụ thu hoạch và cũng trùng với mùa thanh long của Trung Quốc kéo dài từ tháng 5 – 12, do đó nhiều khả năng giá thanh long sẽ giảm”.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu, Phó chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN (Vinafruit), cho biết: “Thời gian qua xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ và Thái Lan cũng tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU vẫn đang phát triển ổn định. Điều này do nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, giá bán vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Chúng tôi đang khuyến cáo người dân nên thay đổi thời điểm thu hoạch để né mùa vụ của Trung Quốc, giúp hạn chế việc thua lỗ vì rớt giá và cạnh tranh cũng thuận lợi hơn”.
Theo lãnh đạo Vinafruit, bên cạnh thanh long thì nhiều loại rau củ quả của VN đang xuất khẩu rất thuận lợi như sầu riêng, chuối, mít, xoài, chanh dây… và mới đây nhất là mặt hàng khoai lang, khoai môn. Sau khi những lô hàng khoai lang xuất khẩu chính ngạch đầu tiên được đưa đi Trung Quốc thì hiện nay nông dân trồng khoai thu hoạch được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
“Nhiều doanh nghiệp chế biến khoai lang, khoai môn sấy cho biết đang thiếu hụt nguyên liệu do nông dân ưu tiên bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Xuất khẩu rau quả dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 2/2023, khả năng tăng trưởng trên 10% và cả năm 2023 có thể đạt 4 tỉ USD, tương đương mức tăng 20% so với năm 2022. Riêng sản phẩm sầu riêng nhiều khả năng sẽ đạt kim ngạch 1 tỉ USD ngay trong năm 2023”.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, mặt hàng xoài của VN năm nay xuất khẩu khá tốt nhưng lại “đụng” phải xoài Campuchia. Xoài Campuchia chủ yếu là xoài keo với giá rất cạnh tranh. Theo các thương lái Trung Quốc, xoài VN, đặc biệt là xoài cát Hòa Lộc, tuy rất ngon nhưng giá lại quá cao nên chưa tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng. Điều quan trọng thứ 2 là do đặc tính xoài cát Hòa Lộc da mỏng, chín nhanh và chín đồng loạt, trong khi công nghệ thu hoạch, bảo quản của VN còn hạn chế. Chính vì những hạn chế này mà xoài cát Hòa Lộc chưa vào sâu được nội địa Trung Quốc mà chỉ mới loanh quanh ở các địa phương gần khu vực biên giới.
PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp Dây đai nhựa – Túi lưới nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất đi thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Tự công bố, kiểm nghiệm),…
Nguồn tham khảo: https://thanhnien.vn/no-luc-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-185230515205741416.htm