Bà Bùi Thị Ba sinh năm 1960 ở ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là người đầu tiên làm nông nghiệp trồng và bán chanh không hạt ra thị trường Việt Nam vào năm 2007.
Công ty TNHH SX – TM NHỰA CHÍ THÀNH BC sản xuất và cung cấp các loại dây đai nhựa pp tại TPHCM.
Nguồn tham khảo: https://danviet.vn/long-an-day-la-nong-dan-dau-tien-trong-chanh-khong-hat-o-viet-nam-ma-nen-danh-ty-phu-20201107231343159.htm
HTX đưa trái chanh công nghệ cao ‘bay’ vào trời Âu
Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức ở ấp 6B, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh nên đã có thị trường tiêu thụ ổn định, đạt điều kiện xuất khẩu sang các nước châu Âu, Singapore, Trung Đông…
HTX Bến Lức là một trong những điển hình xây dựng mô hình sản xuất hướng hữu cơ, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Được thành lập từ năm 2015, HTX hiện có 7 thành viên sản xuất trên diện tích 50ha, đồng thời liên kết sản xuất với HTX Thạnh Hòa và một số hộ nông dân tại huyện Thạnh Hóa (Long An) sản xuất trên diện tích trên khoảng 20ha. Trong số diện tích này, HTX đang triển khai sản xuất chanh theo hướng GlobalGAP 14ha và hơn 20ha ứng dụng công nghệ cao.
Tập trung sản xuất sạch
Từ một vùng đất nghèo khó, người dân loay hoay với đủ thứ cây, con, xã Lương Hòa giờ đây thay da đổi thịt nhờ cây chanh không hạt, chanh bông tím… trồng công nghệ cao.
Theo ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX Bến Lức, huyện Bến Lức là “vựa” chanh lớn nhất của tỉnh Long An. Với mục đích sản xuất ra những sản phẩm an toàn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng ra thị trường thế giới, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình sản xuất chanh.
Cụ thể, HTX tập trung bảo đảm 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc xuất xứ.
Là một trong những thành viên giàu lên nhờ trồng chanh không hạt, ông Phùng Khánh Hội (ấp 5, xã Lương Bình) có 1ha đất vườn trước kia chuyên trồng mía, tuy nhiên do nhiều yếu tố khó khăn đầu ra, giá thấp nên thua lỗ triền miên. Năm 2017, thấy HTX trồng chanh không hạt cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao, nên gia đình ông đã mạnh dạn xin tham gia, mua cây giống về trồng.
“Chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, lại cho trái quanh năm, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Bình quân 1ha thu được 40 tấn/năm (tùy vào từng thời vụ), sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình thu về hơn 400 triệu đồng. Nhờ trồng chanh mà ở vùng đất heo hút của xã Lương Hòa đã có những người trở thành triệu phú, xây nhà cửa khang trang”, ông Hội phấn khởi chia sẻ.
Theo ông Thuận, giống chanh này cho trái quanh năm, từ năm thứ ba bắt đầu sai quả, trung bình mỗi cây có hơn 1.000 quả, năng suất khoảng 70-100kg/năm. Chanh không hạt quả to, trọng lượng 6-8 quả/kg, vỏ mỏng màu xanh sáng, mọng nước và vị chua có mùi thơm.
Ngoài ra, cây chanh bông tím vẫn cho trĩu quả ngay trong mùa nghịch. Chính vì vậy, chanh bông tím loại 1 đóng hộp khi bán ra thị trường phía Bắc có giá 25.000- 30.000 đồng/kg, các loại 2, 3 có giá từ 10.000-20.000 (tùy từng thời điểm).
Theo kinh nghiệm của anh Lưu Khánh Cường (xã Lương Hòa, Bến Lức), thành viên HTX, để cây trồng có năng suất cao phải biết áp dụng đúng theo khoa học, kỹ thuật. Khi chăm sóc cây, toàn bộ được sử dụng bằng phân hữu cơ để duy trì chất màu trong đất cho cây sinh trưởng tốt, quả chất lượng cao, tuyệt đối không lạm dụng phân, thuốc hóa học cho cây để tránh gây hại về sau.
Nâng cao giá trị, vươn ra thị trường quốc tế
Nhằm nâng cao giá trị, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, xuất khẩu, HTX hiện đại hóa các khâu sản xuất chanh như tưới nước, phun thuốc, làm đất, sơ chế…, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho năng suất tăng cao từ 2 – 3 lần so với làm thủ công; dây chuyền tự động, độ chính xác cao, tỷ lệ hao hụt thấp, tiết kiệm 50% chi phí lao động, sản phẩm đầu ra được phân loại đồng đều đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.
Theo ông Thuận, dây chuyền sơ chế và phân loại chanh mà HTX Bến Lức đầu tư thuộc Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện với tổng kinh phí 603,35 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng.
Đơn cử như gia đình ông Lê Văn Xưa (ấp 9, xã Lương Hòa), thành viên HTX, hưởng lợi từ dự án hệ thống tưới tiết kiệm trên diện tích 5ha. Theo đó, ông được hỗ trợ 50% chi phí tương đương khoảng 125 triệu đồng, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên cây chanh khắc phục tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn. Ngoài ra, hệ thống tưới còn có thể ứng dụng vào phun xịt thuốc, xả sương muối gây hại cây, nhờ vậy vườn chanh không bị già cỗi, năng suất kém.
Đáng chú ý, HTX thực hiện liên kết tiêu thụ, thu mua tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu chanh đến nhiều thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, châu Âu,… Trung bình hàng năm, HTX xuất khẩu khoảng 500 tấn, hầu hết chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện, HTX đang thực hiện đàm phán xuất khẩu chanh sang Nga phục vụ nhà hàng, khách sạn, mở rộng thị trường, tăng cường tiêu thụ sản phẩm.
Trung bình mỗi ngày, HXT Bến Lức tiêu thụ khoảng 3 tấn chanh nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ chanh gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng chanh xuất khẩu cũng giảm đáng kể. Hiện, giá chanh được thu mua tại vườn từ 6.000-8.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trần Duy Thuận, HTX vẫn tiếp tục xây dựng mô hình kết nối cung – cầu bảo đảm an toàn và giữ được giá trị của nông sản, nắm bắt thông tin thị trường nhanh hơn thông qua chuyển đổi số; nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, từ đó giúp nông sản được tiêu thụ ổn định trong bất kỳ tình huống nào. Đồng thời, HTX tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng phục vụ thời kỳ hậu Covid-19, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Nguồn tham khảo: https://vnbusiness.vn/khoa-hoc-cong-nghe/htx-dua-trai-chanh-cong-nghe-cao-bay-vao-troi-au-1079695.html
Chanh không hạt xuất khẩu sang châu Âu
Chanh không hạt tỉnh Hậu Giang xuất khẩu sang một số nước Trung Đông, châu Âu với giá 10.000-30.000 đồng/kg tùy mùa.
Với mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước ở Hậu Giang đã có thị trường tiêu thụ ổn định và xuất khẩu đi nhiều nước.
Hợp tác xã hiện có 100ha trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với 80 xã viên. Các xã viên đã được hướng dẫn cách cắt tỉa quả và bón phân hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, cách chăm sóc cho quả to, da bóng. Chanh không hạt của Hợp tác xã được tiêu thụ lâu dài ở hệ thống siêu thị Co.op mart, bán cho các công ty và xuất khẩu sang một số nước ở Trung Đông, châu Âu với giá khoảng 10.000-30.000 đồng/kg tùy theo mùa.
Chủ nhiệm Hợp tác xã, Nguyễn Văn Chiến cho biết chanh không hạt có trái to, da bóng đẹp, lại không có hạt, nhiều nước nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ban đầu Hợp tác xã chỉ có 10 cây giống, sau đó được nhân ra trồng trên 100 ha như hiện nay.
Năm 2010, hợp tác xã được ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2012 tiến tới trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đáp ứng chất lượng nhập khẩu ở một số nước.
Mỗi tháng hợp tác xã thu hoạch khoảng 45 tấn chanh để xuất bán đi các nơi, ngoài ra các xã viên còn sản xuất cây giống để bán cho các trại giống và người trồng với số lượng khoảng 100.000 cây mỗi năm. Với cây chanh không hạt, các xã viên có thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ từ diện nghèo đã vươn lên khá giả. Chanh không hạt là một trong những cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất của tỉnh Hậu Giang.
Hợp tác xã đang có hướng mở rộng diện tích trồng chanh, kết nạp thêm nhiều xã viên và áp dụng kỹ thuật đồng bộ ở hầu hết diện tích trồng chanh không hạt để mở rộng thị trường hơn nữa và nâng cao giá trị của chanh không hạt Hậu Giang.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành Ngô Minh Long cho biết trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp người trồng thay đổi tập quán chăm sóc theo hướng khoa học, ổn định đầu ra và giá cả.
Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã Thạnh Phước về kỹ thuật chăm sóc, cách chọn cây giống, bón phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập người dân và tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/chanh-khong-hat-xuat-khau-sang-chau-au-2728110.html
Chanh không hạt to như quả bưởi
Cây chanh không hạt mua tại Festival Trái cây đồng bằng sông Cửu Long tháng 4/2010, đến nay vẫn sống khỏe mạnh và cho quả rất to, mọng nước.
Tôi trồng cây trên sân thượng, trong thời tiết nắng nóng của Sài Gòn. Tôi mới chỉ hai lần bón phân diêm, hai lần bón phân dynamic, mỗi ngày tưới nước một lần.
Tháng 4/2012 cây bắt đầu cho 8 trái.Tháng 8/2012 tôi lần lượt hái pha nước uống, rất thơm và ngon, nhiều nước.Cây chỉ cao khoảng 80 cm, tán lá vừa phải.
Ngày mùng một Tết 10/2 tôi hái lộc đầu năm. Lúc này trái chanh không hạt đã to gần bằng trái bưởi, tương đương với cái CD (12cm)
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/chanh-khong-hat-to-nhu-qua-buoi-2428317.html
Chanh không hạt lãi lớn
Chanh không hạt năng suất cao, có thể đạt 40 tấn mỗi ha, giá thu mua tại vườn hơn 40.000 đồng một kg.
Đợt nắng nóng kéo dài lên tới 39 – 40 độ C đẩy nhu cầu sử dụng chanh tăng cao, kéo giá đi lên. Nhờ đó, các hộ dân ở ấp 6, xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có thu nhập tăng đáng kể. Các hộ nơi đây chủ yếu trồng loại chanh không hạt cho năng suất cao.
Tại trang trại trồng chanh không hạt rộng 3ha của gia đình anh Vũ Ngọc Báo, hội viên Hội Nông dân xã Thạnh Hòa, các cây đều sum xuê, tươi tốt và đang vào kỳ cho thu hoạch. Anh Báo kể: “Quê ở Hưng Yên, năm 1977 tôi tham gia đội thanh niên xung phong vào xây dựng kinh tế mới ở Nông trường Dứa huyện Bến Lức. Làm công nhân được vài năm, do vùng đất nhiễm phèn nặng, quanh năm bị ngập lụt, làm ăn không có hiệu quả, đơn vị bị giải thể nên được thanh toán một số tiền đủ mua một ha đất phèn”
Vài năm sau, nhờ được đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đê bao nên khu vực đất cũ không còn cảnh quanh năm ngập lụt. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An đã giới thiệu giống cây mới là chanh không hạt (xuất xứ ở Mỹ), anh Báo là một trong những người đầu tiên đăng ký mua 400 cây về trồng thử nghiệm.
Hồi mới trồng do không có kỹ thuật, kinh nghiệm lại thiếu, cây chết gần hết. Anh đã lặn lội tìm kiếm thông tin, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây chanh, sau đó mạnh dạn mua giống về dặm lại. Vườn chanh được phục hồi nhanh chóng và phát triển tốt.
Từ khi trồng tới lúc thu hoạch là 18 tháng (thu bói), những trái chanh đầu mùa vỏ mỏng, to như quả trứng vịt, khi cắt ra quả không có hạt nào, vắt gần một ly nước uống trà. Vụ thu bói lứa chanh đầu tiên, ai tới xem cũng cũng khen quả to, đẹp.
Đến năm 2008, một công ty kinh doanh nông sản ở TP HCM tìm về Long An ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản lượng chanh của anh Báo. “Ngay năm đó tôi bán được 10 tấn chanh tươi với giá 5.000 đồng một kg. Giá thời điểm đó chưa cao, nhưng rất ổn định. Tới lứa thu hoạch, người của công ty xuống tận nơi thu mua và trả tiền liền”, anh cho biết.
Mấy năm làm ăn được, anh Báo đầu tư mua thêm đất để trồng chanh, tính đến thời điểm này tổng diện tích là 6ha, đang ở thời kỳ cho thu hoạch, năng suất đạt 35-40 tấn một ha mỗi năm. Nói tới chanh xuất khẩu, anh Báo chia sẻ: “Ba năm trở lại đây thị trường tiêu thụ chanh rất mạnh, đã có nhiều công ty trong nước cũng như nước ngoài về đầu tư”.
Các công ty cử kỹ sư về tận vườn để hướng dẫn cho nông dân từ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, thu mua chanh để xuất khẩu. Vì vậy giá cả cũng nóng dần lên, giá chanh không hạt tươi thời điểm tháng 4/2014 đạt từ 25 đến 30.000 đồng một kg. Sang trung tuần tháng 5 đã lên tới 43.000 đồng, trong khi thị trường bán từ 50.000 đến 60.000 đồng.
Hiện nay sản phẩm chanh tươi của Việt Nam đã xuất sang thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan, các nước châu Âu, Trung Đông…
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/chanh-khong-hat-lai-lon-2996646.html
Thu tiền tỷ mỗi năm với chanh không hạt
Ở tuổi 30, anh Nguyễn Văn Thật, ở xã Đông Thạnh (Châu Thành, Hậu Giang) là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước với doanh thu trên một tỷ đồng mỗi năm, từ việc cung cấp chanh không hạt giống và thu mua sản phẩm.
Năm 1999, cha anh Thật mua 11 cây chanh không hạt đầu dòng do một doanh nghiệp mang từ California (Mỹ) về trưng bày ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cần Thơ về trồng thử. Những năm đầu trồng, cây cho trái đẹp nhưng không tìm được đầu ra vì loại cây này còn xa lạ với người dân trong vùng.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thật lưỡng lự giữa 2 con đường là học lên tiếp hoặc ở nhà giúp gia đình tìm hướng đi cho cây chanh đầy tiềm năng này. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định dừng con đường học vấn lại để học đường đời. Anh Thật chia sẻ: “Ban đầu tôi phân vân không biết phải làm sao vì nếu không học tiếp sẽ thua bạn bè về kiến thức còn đi học thì không có thời gian để tìm đầu ra cho cây chanh. Được cha mẹ động viên là làm chủ bản thân còn hơn đi làm công cho người khác nên tôi quyết định làm giàu trên mảnh đất của mình”.
“Những năm đầu, tôi cùng cha mình đi gõ cửa từng siêu thị, doanh nghiệp, tham gia các kỳ hội chợ để bán sản phẩm và vận động người dân trồng loại cây này. Nhiều lúc nản lòng muốn bỏ cuộc nhưng vì thấy loài cây này có tiềm năng nên cha con động viên nhau cố gắng và có được thành công như ngày hôm nay”, anh Thật tâm sự.
Trung Đông và châu Âu. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn đầu tư hệ thống kho lạnh, lò sấy để bảo quản, dự trữ chanh.
Anh Thật cho biết, chanh không hạt dễ trồng, ít bị sâu bệnh lại cho trái quanh năm, thời gian từ trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Trung bình một cây sẽ cho khoảng 40 kg, năng suất trung bình khoảng 30 – 40 tấn trái/ha/năm, bán với giá dao động từ 20 – 30.000 đồng mỗi kg, trừ chi phí nông dân còn lãi trên 400 triệu đồng một ha. Hiện tại, hợp tác xã có 84 hội viên tham gia trồng chanh không hạt trên diện tích 97 ha, đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP vào năm 2012. “Để đạt 2 tiêu chuẩn trên thì các hội viên phải tham dự lớp tập huấn kỹ thuật bài bản, sử dụng phân, thuốc theo đúng quy trình chứ không được làm theo ý thích của mình. Hợp tác xã sẽ cung cấp cây giống chất lượng để trồng rồi bao tiêu mua sản phẩm lại bằng với giá thị trường để hội viên không bị thiệt và yên tâm sản xuất”, anh Thật nói.
Nói về quy trình làm giống sạch bệnh, anh Thật chia sẻ: “Làm cây giống phải đam mê và nắm vững kỹ thuật nếu không cây con sẽ dễ nhiễm bệnh dẫn đến ảnh hưởng chất lượng và uy tín của đơn vị mình”. Trước đây, hợp tác xã đã đầu tư 5 nhà lưới, mỗi nhà có diện tích 240 m2, trị giá hàng trăm triệu đồng để ươm cây đầu dòng, sau đó mới đem ra ngoài vườn nhân giống.
Hiện nay nhu cầu xuất khẩu chanh không hạt rất lớn, hợp tác xã không đủ hàng cung cấp cho doanh nghiệp nên đã đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang cho thực hiện thí điểm cánh đồng mẫu lớn khoảng trên 200ha. Trong đó, hợp tác xã sẽ hỗ trợ cây giống, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, trong năm nay hợp tác xã sẽ đặt hàng Viện Cây ăn quả miền Nam 400 cây chanh không hạt đầu dòng để tiếp tục nhân rộng giống chất lượng cung cấp cho người dân.
Năm 2014, hợp tác xã Thạnh Phước của anh Thật cung cấp trên 200.000 cây giống chanh không hạt và thu mua trên 60 tấn trái để bán cho doanh nghiệp, trừ chi phí còn lãi trên một tỷ đồng. Ngoài ra, còn giúp cho gần 20 lao động nông thôn có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 3 triệu đồng mỗi tháng. Với những thành quả trên, anh Thật vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng “Sáng tạo trẻ” năm 2012.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư xã Đoàn Đông Phước cho biết, toàn xã có 2.200 ha đất nông nghiệp, đến thời điểm này người dân đã chuyển sang trồng chanh không hạt trên 50% diện tích. “Anh Thật là người chịu khó học hỏi, nghiên cứu và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đoàn viên thanh niên khác về kỹ thuật hay xuống tận nhà để chỉ cách trồng. Ngoài ra, các phong trào khác của địa phương phát động anh Thật đều tích cực tham gia”, anh Tùng nói.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Chân, Bí thư huyện Đoàn Châu Thành nhận xét, anh Thật là thanh niên điển hình cho nhiều đoàn viên thanh niên khác trong huyện học tập. Cụ thể, mô hình chanh không hạt của anh mang lại hiệu quả rõ rệt đã giúp nhiều thanh niên khác thấy được và chuyển đổi từ mô hình kém hiệu quả sang trồng chanh hiệu quả để thoát nghèo.
Nguồn tham khảo: https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/y-tuong-moi/thu-tien-ty-moi-nam-voi-chanh-khong-hat-3211633.html
‘Nữ hoàng’ chanh không hạt miền Tây
Khởi nghiệp với 2ha đất phèn và trải qua nhiều lần tưởng chừng phá sản, nhờ trồng chanh không hạt, bà Ba ở Long An hiện sở hữu nông trại 30 ha, mỗi ngày xuất 40 tấn đi Singapore, Thái Lan và các nước Trung Đông.
Mười năm trước, bà Bùi Thị Ba, 56 tuổi, quê Bến Lức có 2 ha đất phèn nên chỉ trồng được mía, do giá cả bấp bênh nên thường xuyên thua lỗ, gia cảnh chỉ đủ ăn.
Năm 2000, bà Ba chặt mía chuyển sang trồng cây sơ ri, nhưng do tốn nhiều chi phí thuê người chăm sóc nên tiếp tục thua lỗ. Bà lại chuyển sang nuôi gà công nghiệp, nhưng trong dịch cúm vào năm 2003, đàn gà bị tiêu hủy, bà Ba lâm cảnh nợ nần khi thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng.
Không chịu thua, sau đó không lâu bà lại gượng dậy đi nhiều nơi để tìm mô hình làm ăn hiệu quả. Trong một lần thăm vườn của bạn ở Bình Dương, bà Ba chú ý đến cây chanh không hạt thời điểm đó có giá cao gấp 10 lần chanh bình thường. Bà về bàn với chồng gom góp tiền đến một số tỉnh miền Tây và Viện nghiên cứu cây quả miền Nam để học hỏi kinh nghiệm trồng chanh không hạt.
“Khi chanh cho trái mùa đầu tiên thì lũ về, khoảng 70% vườn cây bị ngập nước thối rễ chết. Tôi hoảng quá xuống Đại học Cần Thơ nhờ các chuyên gia giúp đỡ cứu được phần còn lại, nhưng đến khi thu hoạch xong thì tiếp tục dở khóc dở cười”, bà Ba nhớ lại. Bởi khi chở chanh ra các chợ, thương lái đều lắc đầu vì so với chanh thường, khích cỡ chanh không hạt trông quá… khủng. Sau đó, người con trai của bà phải bỏ ra 2 tháng “ăn bờ ngủ bụi”, chở chanh đến các nhà hàng, chợ đầu mối ở TP HCM để… cho không, và không quên lưu lại địa chỉ.
Lạ là với cách tiếp thị độc đáo này, chỉ một thời gian ngắn, với giá cả phải chăng, chanh không hạt của bà Ba thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm đến đặt hàng, khiến gia đình bà thời điểm đó phải thuê thêm đất mới đủ chỗ trồng.
Đến năm 2008, không chấp nhận qua trung gian, bà Ba tự đứng ra xuất khẩu chanh của gia đình, sau đó kiêm luôn đầu nậu mua chanh cho các hộ dân trong vùng. Bà còn mạnh dạn bỏ ra 800 triệu đồng thuê người chế tạo máy làm sạch và phân loại chanh.
Từ 2ha đất ban đầu, chỉ trong vòng mười năm, bà Ba mua thêm 10ha đất và thuê tiếp 20ha của nông dân trong vùng để mở rộng canh tác. Vậy mà sản phẩm vẫn không đủ cung cấp cho nhiều siêu thị tại TP HCM. Hiện nay, mỗi ngày nông trại này còn xuất khoảng 40 tấn chanh đi Singapore, Thái Lan và các nước Trung Đông, thu lãi gần 3 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài cơ sở chính ở Long An, bà Ba còn có một cơ sở thu mua khác ở TP Cần Thơ để gom hàng từ các tỉnh miền Tây.
Ngoài chuyện kinh doanh, bà Ba còn giúp nhiều công nhân ở nông trại làm giàu. Trước đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga ở Bến Lức không có đất đai, sống qua ngày bằng nghề làm thuê. Bà Ba thấy hai vợ chồng thật thà, chịu khó nên nhận vào làm công nhân. Được vài năm, khi đã tin tưởng bà đứng ra thuê 0,5ha đất, hỗ trợ cả cây chanh giống cho chị Nga trồng. Buổi sáng, chị Nga làm tại cơ sở của bà Ba, chiều về chăm sóc chanh nhà mình. 6 năm sau, chị Nga đã tích lũy được 1ha đất trị giá hàng tỷ đồng. Khi thấy chị Nga đã có vốn, bà Ba vận động chị nghỉ việc ở nông trại để ra làm ăn riêng. Nhiều công nhân có con nhỏ còn được bà Ba cất nhà cho ở để yên tâm làm việc.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, đến nay, địa phương đã tăng diện tích chanh không hạt lên gần 500 ha và đang là cây trồng cải thiện đáng kể đời sống người dân, trong đó, công lao tiên phong là của bà Ba.
Nguồn tham khảo: https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/hanh-trinh-khoi-nghiep/nu-hoang-chanh-khong-hat-mien-tay-3483056.html
Chanh sạch không hạt Hậu Giang
Giống chanh không hạt được bà con huyện Châu Thành, Hậu Giang trồng theo mô hình sạch, an toàn của VietGAP và GlobalGAP.
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng hạn mặn xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến công việc canh tác lúa của bà con huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung. Bởi vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác thay cho cây lúa là điều cần thiết và giống chanh không hạt trở thành một trong những lựa chọn ưu tiên của bà con.
Hiện nay, giống chanh không hạt được bà con huyện Châu Thành trồng theo mô hình sạch, an toàn của VietGAP và GlobalGAP. Cụ thể, ở khâu chọn giống, người nông dân tìm nơi thu mua cây giống uy tín như Trung tâm Khuyến nông, hợp tác xã nông nghiệp Thạch Phước. Nếu tự sản xuất giống hay ghép gốc, bà con luôn có hồ sơ ghi lại đầy đủ các bước thực hiện, hóa chất sử dụng… nhằm chứng minh cây giống đủ chất lượng.
Cùng với đó, nguồn nước, đất trồng chanh cũng được Sở Y tế Hậu Giang và tổ chức giám định Vinacontrol về lấy mẫu nước xét nghiệm và chứng nhận không nhiễm vi sinh vật hóa học, kim loại nặng theo tiêu chuẩn hiện hành. Để tránh lây bệnh chéo cho vườn chanh, người dân không chăn thả gia súc, gia cầm ở gần nguồn nước và đất của vườn. Hơn nữa, vùng đất trồng còn được khoanh vùng cách xa bệnh viện, khu công nghiệp, tránh các nguồn lây nhiễm độc hại.
Để cây chanh có đủ dưỡng chất phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chọi sâu bệnh, bà con sử dụng các loại phân bón cho cây và thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng của nhà nước và dùng đúng đợt, đúng liều lượng. Toàn bộ hoạt động bón phân sẽ được dừng lại trước thời điểm thu hoạch 10 ngày. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly cây chanh phải tuân thủ khuyến cáo ghi trên bao bì của thuốc. Nơi bảo quản, cất giữ những loại hóa chất trên đều được đặt trong phòng cách ly.
Chanh sau thu hoạch được rửa bằng nước sạch giúp loại bỏ bụi bẩn, vi sinh vật rồi để ráo, sau đó mới đưa vào phòng lạnh bảo quản. Bà con thường vận chuyển chanh vào thời điểm ít nắng trong ngày để quả tránh bị héo, đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, xe chuyên dụng chở chanh luôn được làm sạch trước khi xếp hàng để tránh nhiễm khuẩn.
Nhờ những nỗ lực trồng và chăm sóc giống cây trồng mới, Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang”. Đây được xem là tấm vé thông hành giúp chanh không hạt đến với những thị trường mới trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/thoi-su/chanh-sach-khong-hat-hau-giang-3512520.html
Hậu Giang đầu tư phát triển 5 nông sản chủ lực
Tỉnh xác định 5 loại nông sản chủ lực gồm lúa, chanh không hạt, mít, cá thát lát, lươn đồng và 4 loại nông sản đặc trưng để tập trung phát triển và kêu gọi đầu tư.
4 loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch là khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày và các nông sản có giá trị cao khác. Theo ông Trần Chí Hùng – Giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Hậu Giang, đây là cơ sở để tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, cũng như xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của từng địa phương trong tỉnh.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được tỉnh chú trọng và nhân rộng, đến nay toàn tỉnh đã công nhận 105 sản phẩm OCOP (trong đó 48 sản phẩm 4 sao; 57 sản phẩm 3 sao), có 2 sản phẩm thăng hạng từ 4 sao lên đủ điều kiện dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.
Để tạo bàn đạp và giúp cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển, tỉnh đang triển khai Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) thuộc nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới; dự án hỗ trợ, cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn; dự án xây dựng mô hình thủy lợi, tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn huyện Châu Thành…
Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5.200 ha cũng đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, hiện thu hút 4 nhà đầu tư thực hiện các dự án về sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và phân vi sinh; đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng vi mô 310 ha và tổng mức đầu tư là 332 tỷ đồng.
Song song với việc đưa ra các dự án cần thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì tỉnh cũng đề ra những chính sách đi kèm. Đơn cử, các dự án đầu tư sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo chính sách của tỉnh, như miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về thuế; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ 100% chi phí lập dự án đầu tư nhưng không quá 500 triệu đồng một dự án; hỗ trợ thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư như tổ chức hội nghị, hội thảo…
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, phải đưa nông nghiệp của tỉnh ngang tầm với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nâng cao đời sống của nông dân. Do đó, ngành nông nghiệp cần tập trung nghiên cứu các loại sản phẩm chế biến từ nông sản mới, đa dạng và đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, cũng như phát triển các hợp tác xã có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tranh thủ mọi nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Đặc biệt là cần thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường nhằm dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ tại các địa phương, nhất là doanh nghiệp chế biến rau quả.
Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kế cận thành phố Cần Thơ, nên thuận lợi trong giao lưu, mở rộng kinh tế, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp. Mặt khác, với vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu và tiểu vùng Bắc bán đảo Cà Mau, nằm giữa Tứ giác tăng trưởng Cần Thơ – Cà Mau – Kiên Giang – An Giang, tỉnh Hậu Giang sẽ có vai trò trung tâm trong giao lưu kinh tế và có ý nghĩa quyết định trong việc thu hút đầu tư trong, ngoài nước.
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/hau-giang-dau-tu-phat-trien-5-nong-san-chu-luc-4517038.html
3.000 đồng một kg chanh
Nhiều nhà vườn chỉ bán chanh với giá 3.000 – 5.000 đồng một kg, có nơi thậm chí không có thương lái thu mua.
Nhà vườn trồng chanh không hạt ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, các vựa, cơ sở trên địa bàn huyện chỉ thu mua sản phẩm với giá 3.000 – 5.000 đồng một kg, và mức giá này đã duy trì gần một tháng qua.
Chị Hoa, trồng 0,3 ha chanh ở huyện này bộc bạch, nếu các năm trước giá chanh tại vườn 8.000 đồng một kg thì gia đình cũng có lãi hơn chục triệu. Nhưng vụ năm nay chanh bán ra chỉ đủ mua phân bón.
Không chỉ giá chanh tại Tiền Giang giảm mạnh, ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang hay một vài tỉnh phía bắc như Nghệ An cũng đang chịu cảnh này. Hiện, nông dân trồng chanh ở các huyện như: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Con Cuông, Tương Dương đang bước vào mùa thu hoạch. Thế nhưng, người dân chỉ bán được ở mức 3.000 – 4.500 đồng một kg, nhiều nơi còn không có thương lái thu mua.
Theo bà con, sở dĩ giá xuống thấp vì năm nay nguồn cung dồi dào, cộng với mưa bão kéo dài nên nhu cầu giảm khiến lượng hàng tồn cao.
Cũng chính vì giá tại vựa giảm mạnh nên tại TP HCM, giá chanh bán tại chợ và trên các xe đẩy cũng chỉ 10.000 -15.000 đồng một kg, giảm 4 – 5 lần so với hồi tháng 6. Thậm chí nhiều chỗ còn rao bán 10.000 đồng 2 kg. Trước đó, trong tháng 6 giá chanh có lúc lên tới 45.000 đồng một kg.
Anh Hòa, chuyên bán hàng trên xe đẩy ở đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) cho biết, dù giá chanh giảm mạnh nhưng lượng mua hiện vẫn thấp. Nếu trước đây một ngày có thể bán được vài chục kg thì nay chỉ khoảng 10 kg. Thay vì bán theo kg, anh chọn cách đóng bịch khoảng 500 gram với giá 5.000 đồng.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho hay, hai tuần nay chanh về chợ khá nhiều. Ngoài các loại chanh không hạt thì chanh đào ở phía Bắc cũng được vận chuyển vào TP HCM. Tuy nhiên, giá các sản phẩm này đều giảm so với mọi năm. Trong đó, chanh không hạt giảm mạnh nhất chỉ còn 7.000 – 10.000 đồng một kg.
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/3-000-dong-mot-kg-chanh-3813193.html
Chanh không hạt ra đời tại Anh
Những quả chanh không hạt đầu tiên trên thế giới sẽ được bày bán tại các quầy chợ tại Anh trong tuần này. Sản phẩm mang tên Seedless Eureka đã được phát hiện tình cờ bởi một người nông dân tại Nam Phi.
Hãng Outspan cung cấp loại quả này cho biết người nông dân đó đã tìm thấy một cây chanh không hạt trong vườn quả của mình. Ông dành 7 năm để nhân giống loại quả này và cuối cùng đã đạt tới giai đoạn có thể xuất khẩu với số lượng có hạn. Chanh Seedless Eureka sẽ được bán tại các siêu thị Sainsbury trong 6 tuần tới với giá 1,79 bảng/bốn quả.
Martin Dunnett, Giám đốc thu mua của Outspan, phát biểu: “Loại chanh này thực sự là một phát kiến hữu ích. Cam không hạt đã xuất hiện một thời gian và khách hàng đang mong muốn có được chanh không hạt. Với cam thì một hai hạt còn chấp nhận được, chứ chẳng ai thích hạt chanh vương đầy trong bát canh, cốc gin tonic, hoặc món súp của mình.
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/chanh-khong-hat-ra-doi-tai-anh-1999177.html
Phương thức trồng chanh đạt hiệu quả của bà con Châu Thành
Những năm gần đây, cây chanh không hạt đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho dân huyện Châu Thành, Hậu Giang. Loại cây này cho trái quanh năm, thời gian thu hoạch trong vòng 18 tháng.
Để có được thành quả hiện tại, bà con phải trải qua quá trình trồng thử để đúc rút kinh nghiệm. Những ngày đầu, do canh tác theo kinh nghiệm truyền thống nên sản lượng và chất lượng của chanh chưa cao. Để giải quyết vấn đề này, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành phối hợp cùng Sở Nông nghiệp, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang đã xây dựng quy trình trồng chanh không hạt theo VietGAP, tạo hướng đi mới cho bà con.
Trong quy trình này, khâu chọn giống được đặc biệt chú trọng. Hợp tác xã tổ chức nhân giống trực tiếp hoặc người dân mua giống tại các cơ sở được nhà nước cấp phép. Cây giống được ghép từ cây chanh tàu bông tím, không dùng cây chiết vì sức phát triển và khả năng kháng bệnh của cây chiết khá kém.
Ở khâu gieo trồng, do cây chanh không hạt ưa sáng và nên mật độ trồng được tính toán phù hợp là 600-800 cây trên một ha, liếp rộng khoảng 5-6m. Do vậy, các vườn chanh ở địa phương luôn thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi bà con đi lại và chăm sóc.
Ngoài nguồn cây giống đảm bảo, các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dùng cho cây chanh luôn đảm bảo đúng liều lượng, đúng thời điểm, tuân thủ thời gian cách ly an toàn. Khi tham gia vào VietGAP, bà con phải nắm rõ cả cách sử dụng lẫn cách bảo quản hóa chất. Hóa chất được bảo quản trong kho chứa thoáng mát, bên trong có dán nội quy, khóa cẩn thận và hạn chế người ra vào. Giá xếp thuốc bảo vệ thực vật được sắp xếp khoa học, không xếp thuốc dạng lỏng trên thuốc dạng bột. Sau quá trình sử dụng, vỏ đựng hóa chất được tiêu hủy đúng quy định, đồ dùng được vệ sinh đúng cách, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
Ngoài ra, mỗi hộ dân đều có quyển sổ nhật ký nông hộ để ghi chép lại toàn bộ quá trình phát triển của cây chanh. Qua đó, người nông dân kiểm soát được dư lượng hóa chất và nắm được tình trạng cây qua các thời kỳ. Toàn bộ hồ sơ về vị trí lô đất, kết quả phân tích đất, nước, quả đều được cán bộ hợp tác xã lưu giữ lại. Việc này giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng, thuận lợi khi cần.
Với những nỗ lực trên, tháng 4/2012, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 6 đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 12 hộ dân huyện Châu Thành đang canh tác chanh không hạt. Đây là động lực để giống chanh không hạt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có cơ hội phát triển và được biết đến rộng rãi hơn.
Dây đai nhựa dùng đóng chanh không hạt xuất khẩu
PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp túi lưới nhựa – dây đai nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất đi thị trường,…
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/thoi-su/phuong-thuc-trong-chanh-dat-hieu-qua-cua-ba-con-chau-thanh-3513574.html
4 COMMENTS
Chúc mừng cô đã và đang thành công trong con đường kinh doanh hiện tại và sắp tới !
Chúc mừng !
Dây đai chất lượng!
Cảm ơn khách đã tin dùng sản phẩm của chúng tôi