Nông sản Việt sốt giá. Giá sầu riêng tăng kỷ lục trong tháng qua, thanh long, mít, khoai lang… cũng đắt gấp 2-3 lần cùng kỳ.
Từ ngày 8/1, Trung Quốc mở cửa sau 3 năm đại dịch, giúp hoạt động thông qua tại các cửa khẩu của Việt Nam trở nên nhộn nhịp. Hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động trở lại tạo đà cho nhiều mặt hàng nông sản trong những tháng đầu năm tăng giá gấp 2-3 lần so với cùng kỳ.
Khảo sát cho thấy, trái cây là nhóm tăng giá mạnh nhất. Giá tại vườn với thanh long ruột trắng là 18.000-25.000 đồng một kg, ruột đỏ 35.000-38.000 đồng. Với sầu riêng, giá tăng cao chưa từng có lên 190.000 đồng một kg với monthong Thái Lan, 150.000 đồng một kg với Ri 6. Còn với mãng cầu (na) giá tại vườn 50.000-60.000 đồng một (1) kg, mít Thái 18.000-25.000 đồng.
Chị Linh, một thương lái lâu năm tại Tiền Giang, cho rằng năm nay các loại trái cây đua nhau “sốt” giá. Với sầu riêng, đây là năm đầu tiên chị phải chi mức hoa hồng 1.000 đồng một kg cho người giới thiệu vườn đến vụ thu hoạch.
“Có vườn tôi chi hoa hồng tới vài chục triệu đồng. Tuy vậy, nguồn hàng trên thị trường vẫn khá ít vì sầu riêng chưa chính vụ nên không đủ để cung ứng cho đối tác”, chị Linh nói.
Không chỉ trái cây, các nông sản khác như khoai lang, khoai môn, dưa hấu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Khoai lang tại vườn đang được thu mua 14.000 đồng một kg, môn sáp 30.000 đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chị Thanh Mai, thương lái thu mua nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên, cho rằng mức giá thu mua khoai đang cao nhất trong 4 năm qua. Ba năm đại dịch Covid-19, giá sản phẩm này rớt chỉ còn 3.000-6.000 đồng một kg nhưng từ khi Trung Quốc mở cửa, sản lượng thu mua khoai xuất khẩu tăng cao. Hiện, khoai lang tại các tỉnh Tây Nguyên đang trái vụ nên sản lượng khá thấp. Do đó, giá sẽ còn leo cao trong 1-2 tháng tới.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, Long An, An Giang, Tiền Giang đều cho thấy, hầu hết giá nhiều nông sản ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ Covid-19. Việc xuất hàng sang Trung Quốc đều đặn trở lại, cùng hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động là nguyên nhân chính giúp giá nông sản tăng mạnh.
Tại các doanh nghiệp xuất khẩu, sản lượng thu mua và xuất khẩu tăng 20-50% so với cùng kỳ. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương thu mua từ 300-500 tấn thanh long một ngày. Sản lượng thu mua này đã bằng 70% so với công suất nhà máy trước đó.
Tương tự, tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, CEO Ngô Tường Vy, cho biết năm 2022 xuất khẩu nông sản của công ty sang thị trường Trung Quốc tăng 60% so với 2021. Từ ngày 8/1, khi Trung Quốc mở cửa, hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn khiến sản lượng xuất khẩu tăng cao.
“Đặc biệt, tháng 1/2023 trùng vào dịp Tết nên lượng đặt hàng từ phía nước bạn tăng mạnh, các container hàng nông sản liên tục được thông quan”, bà Vy nói và chia sẻ rất kỳ vọng vào xuất khẩu nông sản năm nay của công ty, sẽ vượt mức 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, nông sản Việt đang được hậu thuẫn từ nhiều phía. Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc đầu tháng 11/2022, hàng loạt nghị định thư xuất khẩu rau quả đã được ký có lợi cho Việt Nam. Trong đó, sầu riêng, mít là nhóm được hưởng lợi sớm nhất.
Hiện Trung Quốc là thị trường tiềm năng, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Do đó, theo ông Nguyên, đây là thị trường đáng mong đợi nhất trong năm nay.
“Cánh cửa Trung Quốc dường như đã được mở toang cho hàng rau quả của Việt Nam sau ngày 8/1/2023 khi Trung Quốc bỏ chính sách “zero Covid”, ông Nguyên nói.
Theo báo cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn, hoạt động xuất khẩu tại cửa khẩu khá thông thoáng. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trong tháng 1 đạt 185,5 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 84,4 triệu USD, tăng 165,5% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện, các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn thông quan xuất nhập khẩu với Trung Quốc hơn 700 xe hàng mỗi ngày, chủ yếu là hoa quả.
“Dường như không có xe phải quay đầu như các năm trước”, lãnh đạo Hải quan Lạng Sơn cho hay.
Những năm gần đây, hàng nông sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Mỗi năm, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung Quốc nhập khẩu gần 10 tỷ USD nông sản từ Việt Nam. Lượng xuất đi Trung Quốc thường chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Trong buổi tổng kết năm 2022, Bộ Trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, phải xem Trung Quốc là thị trường trọng điểm vì đây là quốc gia láng giềng có dân số tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, hoạt động vận chuyển thuận lợi.
Để hoạt động xuất khẩu bứt phá, Bộ cũng đang cùng các ban ngành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng. Song song đó, người dân cần nâng cao chất lượng canh tác sản phẩm để đầu ra luôn ổn định.
Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo, hết tháng 2 sau khi nhiều mặt hàng vào chính vụ, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Năm 2023, xuất khẩu rau quả dự báo tăng trưởng trên 20% với kim ngạch trên 4 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng sẽ là sản phẩm dẫn đầu trong các loại rau quả xuất sang Trung Quốc.
PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp túi lưới nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất đi thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Tự công bố, kiểm nghiệm),..
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/nong-san-xuat-sang-trung-quoc-4568609.html