Bà Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc – cho rằng thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính.
Tại Diễn đàn Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam – Trung Quốc sáng 10/2, các doanh nghiệp nêu nhiều giải pháp để đón đầu cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường tiềm năng của Việt Nam.
Bà Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, đánh giá thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính như trước. Nếu lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ hay chưa đăng ký sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Trường hợp, lô hàng xuất đi dính đất, rệp, kiến cũng sẽ bị hủy hoặc trả lại…. Hàng Việt sang nước này cần đảm bảo đúng chất lượng, số lượng.
Bà nhắc việc một số doanh nghiệp trong nước quan tâm việc “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.
“Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy, khả năng cao sẽ bị trả lại”, bà My nói.
Ngoài ra, bà cũng cảnh báo, nếu xuất hàng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành. Song song đó, tại Việt Nam, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu nên khi có sai phạm sẽ gây hậu quả rất lớn.
Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng, nông dân và doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều hạn chế. Họ chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc.
Bà Bùi Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Haiyang (Bình Thuận) cho biết đã xây dựng nhà máy chế biến nông sản và phối hợp với bà con nông dân xây dựng vườn sầu riêng mẫu theo các yêu cầu kỹ thuật để cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, sạch. Bà đề nghị cơ quan quản lý đàm phán để Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông để giảm chi phí và giá thành sản phẩm.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đánh giá, Trung Quốc là thị trường rộng lớn, có tác động mạnh đến giá nông sản Việt Nam nên cần sớm có hoạt động thúc đẩy để đón đầu cơ hội khi nước này mở cửa sau 3 năm Covid-19.
Năm ngoái Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc trên 260 tỷ USD, Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%. Theo ông Hòa, đây là con số còn khiêm tốn vì Việt Nam có rất nhiều nông sản mà Trung Quốc cần.
Năm 2022, Việt Nam đã ký nghị định thư về sầu riêng, mít, khoai lang, tổ yến để xuất chính ngạch sang nước này. Năm nay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đang đàm phán với đối tác Trung Quốc đề xuất nhóm hoa quả tiếp theo: bưởi, bơ, na, mận, thảo quả, dứa.
“Bộ đang hoàn thành các hồ sơ để ký tiếp các nghị định thư với Trung Quốc về nông sản tạo thêm thuận lợi giữa hai quốc gia”, ông Hòa cho hay.
Tương tự, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Bảo vệ thực vật cũng cho biết, Cục đang đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số quả tươi như dưa hấu, thanh long, xoài, nhãn, vải và chôm chôm vào Trung Quốc. Cục đang hướng dẫn xuất khẩu tạm thời ớt, chanh leo. Cùng đó, Cục đã đã nộp hồ sơ của quả na và thảo quả để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, tiến hành các bước tiếp theo.
“Bên cạnh các thủ tục, trong nước chúng tôi đang cấp tập triển khai hoàn thiện thêm các mã vùng trồng theo đúng quy định để nông sản Việt đáp ứng các tiêu chuẩn khi xuất sang Trung Quốc”, ông Đạt thông tin.
Sắp tới, để hoạt động xuất khẩu suôn sẻ, ông Hòa đề nghị UBND tỉnh Lào Cai đàm phán với phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát hàng hóa. Biên phòng Trung Quốc đang giám sát chặt các xe từ bến bãi phía bạn vào thị trường.
Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương cho hay đang hướng dẫn và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu hoàn thiện thủ tục theo đúng yêu cầu của Trung Quốc.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An cho biết, tỉnh đã cấp 265 lượt mã số vùng trồng cho các loại cây trồng, 140 lượt cơ sở được cấp mã số đóng gói, trong đó chỉ tính riêng thanh long đã được cấp 222 mã số vùng trồng xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc. Tương tự, tại các tỉnh như Lào Cai, Vĩnh Long, Tiền Giang, việc cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đang dần hoàn thiện.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương đẩy mạnh rà soát lại mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các sản phẩm sắp được xuất chính ngạch. Với các sản phẩm chưa được ký nghị định thư cần xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu. Với các bộ, ngành, ông đề nghị phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng để kết nối doanh nghiệp hai nước.
Báo cáo của ông Vương Trịnh Quốc, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai cho thấy, từ 8/1 đến nay, các hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã khôi phục bình thường như khi chưa có dịch.
Hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai, chủ yếu là Cửa khẩu Kim Thành. Trong đó có 2.000 lượt xe xuất và 4.000 lượt xe nhập khẩu, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%. Lào Cai đã tăng cường các điều kiện về bến bãi để đáp ứng nhu cầu thông quan tại Cửa khẩu Kim Thành.
Tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, phía Trung Quốc đã đổi phương thức vận tải, bỏ xe trung chuyển và cho phép xe chở nông sản vào thẳng bãi chuyển hàng hóa của hai bên. Năm 2019, có khoảng 800 lượt xe qua lại tại Cửa khẩu Kim Thành, và sau thời gian dịch, có khoảng 300 lượt xe, xe Trung Quốc chiếm 70%.
PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp dây đai nhựa – túi lưới nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất khẩu,…
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/sai-lam-khi-noi-thi-truong-trung-quoc-de-tinh-4568969.html