Trái cây Việt nô nức xuất ngoại

Ngành nông nghiệp liên tiếp đón nhận tin vui khi nhiều loại nông sản, trái cây được Trung Quốc , Nhật Bản và New Zealand ký kết nghị định thư, cho phép nhập khẩu.

Khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc; bưởi đến Mỹ, New Zealand
Sau nghị định thư xuất khẩu sầu riêng VN sang Trung Quốc trong tháng 9, ngành nông nghiệp có thêm nhiều nông sản, trái cây “cầm hộ chiếu” xuất khẩu đến nhiều thị trường.

Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu quả nhãn tươi VN
Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu quả nhãn tươi VN

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN-PTNT) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức đưa lên trang web nghị định thư xuất khẩu khoai lang, khẳng định đã hoàn tất thủ tục pháp lý. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) có thể đàm phán, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu. Trước đó, ngày 18.11, Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản có văn bản thông báo đồng ý nhập khẩu quả nhãn tươi VN – thành quả sau 6 năm đàm phán. Ngoài ra, Nhật Bản cử chuyên gia đến TP.HCM rà soát một số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhãn xuất khẩu. Nhãn là trái cây thứ 4 được xuất khẩu vào Nhật Bản sau xoài, thanh long và vải.

Ngày 16.11 qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ký hoàn tất nghị định thư xuất khẩu tổ yến (được phía Trung Quốc ký trước). Đến ngày 22.11, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị phổ biến quy định trong nghị định thư xuất khẩu tổ yến đến DN.

Một thị trường cao cấp khác là New Zealand cũng mở cửa nhập khẩu quả chanh, bưởi, khép lại hơn 4 năm kiên trì đàm phán. Ngày 15.11 qua, Bộ NN-PTNT và Bộ Nông nghiệp – An ninh sinh học – Thông tin đất đai và các vấn đề nông thôn NewZealand đã ký kết biên bản mở cửa thị trường xuất nhập khẩu chanh, bưởi giữa VN và New Zealand.

Cũng theo Cục BVTV, hơn 1 tháng Mỹ thông báo nhập khẩu bưởi, ngày 28.11 tới, tại Bến Tre, DN sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên, đưa quả bưởi vào thị trường Mỹ. Chia sẻ trong cuộc gặp gỡ với báo chí ngày 24.11, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục BVTV), cho biết New Zealand có nhu cầu rất lớn đối với chanh, bưởi, trong khi đây là những nông sản VN có lợi thế sản xuất số lượng lớn.

Theo ông Hiếu, ngoài quy định chung về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm dịch thực vật loại bỏ vi sinh vật gây hại thì “đặc biệt và ly kỳ nhất” là câu chuyện đưa nhãn tươi vào Nhật Bản. Nhãn tươi phải được xử lý lạnh ở nhiệt độ 1,3 độ C, bảo quản tối thiểu 13 ngày. Để có được phương pháp này, chuyên gia của Cục BVTV phải mất 6 tháng làm thí nghiệm và quy trình này chưa từng áp dụng trên bất kỳ loại trái cây xuất khẩu nào của VN.

Ông Hiếu lưu ý: Để giữ được thị trường, người nông dân, các hợp tác xã sản xuất, DN phải cùng nhau làm đúng cam kết, quy định. Quốc gia nhập khẩu duy trì chế độ kiểm tra định kỳ hoặc ngẫu nhiên. Khi phát hiện vi phạm, các nước sẽ đình chỉ, không loại trừ “đóng cửa” thị trường.

“Đối với thị trường Trung Quốc, hằng tuần Tổng cục Hải quan Trung Quốc đều kiểm tra ngẫu nhiên đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã phê duyệt. Vì thế, các DN, nông dân luôn luôn đảm bảo tâm thế tuân thủ tuyệt đối quy định trong nghị định thư sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm để thuận lợi thông quan xuất khẩu”, ông Hiếu cảnh báo.

Động lực thúc đẩy liên kết, sản xuất quy mô lớn
Trao đổi với Thanh Niên, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Công thương Hưng Yên, cho rằng Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu nhãn tươi từ VN là tin vui đối với “thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên”. Hưng Yên đã xuất khẩu nhãn đi Mỹ, Úc nên tự tin để vào Nhật Bản. Hơn 1 năm nay, tỉnh này đã xây dựng và sắp hoàn thành đề án xuất khẩu nhãn sang Nhật Bản. “Trong hơn 5.000 ha hiện nay có khoảng 30% diện tích được đầu tư khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật Bản và các thị trường cao cấp”, bà Hạnh nói.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, khẳng định nhóm trái cây vừa hoàn tất đàm phán xuất khẩu vào Trung Quốc, New Zealand, Nhật Bản là những nông sản VN có thế mạnh sản xuất. Khoai lang dễ trồng, chu kỳ mùa vụ ngắn ngày. Nhãn, bưởi có nhiều vùng trồng tập trung khắp cả nước, có thể rải vụ xuất khẩu quanh năm. Quy định xử lý nhãn lạnh đơn giản, chi phí thấp và không phức tạp chiếu xạ như đi Mỹ, Úc. Các nghị định thư Trung Quốc ký vừa qua tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch và tạo động lực để nông dân làm ăn chuyên nghiệp, bài bản và quy mô lớn hơn. Vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đi kiểm tra, họ khuyến cáo mỗi mã số vùng trồng diện tích ít nhất trên 10 ha, càng rộng thì càng tốt, và thực tế có mã số được cấp trên 100 ha.

“Để đáp ứng quy định của nghị định thư, nông dân phải chung tay liên kết, hợp tác với nhau để thành tổ, nhóm, hợp tác xã cùng sản xuất một loại nông sản, áp dụng chung một quy trình kỹ thuật giống nhau, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng. Nghị định thư đang tạo ra động lực rất lớn thúc đẩy người nông dân liên kết, hợp tác, sản xuất quy mô lớn thì hàng hóa mới đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, thực tế khảo sát ở các vùng trồng sầu riêng sang Trung Quốc, giá có nơi tăng gấp 3 lần. Người dân đã nhận thức được vấn đề, chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy, chủ động tham gia vào chuỗi xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, nghị định thư này thúc đẩy DN liên kết chặt chẽ hơn với nông dân, hợp tác xã và có trách nhiệm cao hơn trong hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát sản xuất để có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp Túi lưới nhựa – Dây đai nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất đi thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Tự công bố, kiểm nghiệm),.

Nguồn tham khảo: https://thanhnien.vn/trai-cay-viet-no-nuc-xuat-ngoai-1851525236.htm

5/5 - (5 bình chọn)
Back to top