Trung Quốc chậm cấp mã vùng trồng cho nông sản Việt

Nông sản xuất sang Trung Quốc. Số lượng mã vùng trồng của Việt Nam hiện được Trung Quốc cấp chỉ bằng 1/10 so với Thái Lan, trong đó sầu riêng được cấp chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích.

Tại diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản sang Trung Quốc trong bối cảnh mới” ngày 14/2, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, đóng gói của Hải quan Trung Quốc với Việt Nam còn chậm.

Ông dẫn chứng, thanh long mất khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt. Sầu riêng là sản phẩm có sản lượng lớn nhưng số lượng được cấp mã cũng lẻ tẻ, chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng. Hiện, lượng mã vùng trồng của Việt Nam được cấp chỉ bằng 1/10 so với Thái Lan.

Mã số vùng trồng (mã số đơn vị sản xuất – Production Unit Code – PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Mã số này được cấp cho vùng trồng nông sản có sự kết hợp các ký tự và mã số như sau: Mã quốc gia; mã tỉnh, thành phố; mã quận, huyện; mã xã, phường và số thứ tự theo danh sách mã do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt, cấp.

Quy trình cấp mã bao gồm các bước thẩm định về đối tượng kiểm dịch của nước nhập khẩu, kiểm tra nhật ký ghi chép, vệ sinh vườn, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Sau khi được cấp mã số, hằng năm chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật sẽ kiểm soát trước kỳ thu hoạch nông sản để có báo cáo việc giữ hay thu hồi mã số.

Ngoài ra, theo ông Nguyên, số lượng trái cây được ký nghị định thư còn thấp. Hiện còn 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.

Đồng quan điểm, bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP cũng cho rằng Việt Nam cần phối hợp với Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động cấp mã vùng trồng, nuôi, đóng gói nhanh để thủy sản Việt phát huy được lợi thế cạnh tranh.

Trước các phản ánh trên, ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, các doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, rà soát lại mã vùng trồng theo đúng tiêu chí của Trung Quốc để hoạt động kiểm tra thực địa nhanh và thông suốt.

“Việt Nam hiện nay vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã để xuất khẩu nên gây mất uy tín”, ông Đạt cho hay.

Do đó, ông đề nghị các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định của Trung Quốc trong bối cảnh mới để tránh rủi ro. Ông cũng kêu gọi các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ ngành nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ giúp ổn định giá cả và đầu ra cho bà con nông dân.

Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận
Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận

Theo ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam có thể vào trang web chính thức của Tổng cục Hải quan nước này để xem các quy định. Hạn mức xuất nhập khẩu, quy trình xét nghiệm, các thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ghi rõ tại đây.

“Tổng cục Hải quan Trung Quốc luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc bảo đảm môi trường xuất nhập khẩu lành mạnh, nguyên tắc cao nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Lỗ Siêu nhấn mạnh.

Đại diện Trung Quốc khẳng định thêm, các Lệnh 248, 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài) cũng nằm trong chỉnh thể hoạt động xuất nhập khẩu của nước này, tạo thành hệ thống bảo vệ cho người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, các các khâu truy xuất mã vùng trồng, nuôi, đóng gói, vận chuyển,… đều được tách bạch và kiểm tra kỹ.

Nhìn nhận về thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng Chính phủ luôn coi đây là thị trường trọng điểm. Nếu thích ứng với những lệnh như 248, 249 và sắp tới là 259 sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu bền vững.

Bộ Trưởng kêu gọi các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần hợp tác để tạo ra sức phát triển cho cộng đồng. Ông cũng tin rằng kinh doanh không còn là việc tư, mà dần chuyển thành chung, được cơ quan quản lý, xã hội, người dân quan tâm. Ông đề nghị cơ quan quản lý nhà nước coi đây là những người bạn đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý.

Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị hai nước cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu. Hai bên tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực hai bên biên giới của mỗi nước.

Năm 2022, Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,5 tỷ USD, chiếm 24% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.

Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); Cao su chiếm tỷ trọng 71,91%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản.

Dây đai nhựa ST dùng trong đóng gói mặt hàng thủy sản xuất khẩu
Dây đai nhựa ST dùng trong đóng gói mặt hàng thủy sản xuất khẩu

PS: Công ty sx – tm nhựa Chí Thành BC sản xuất và cung cấp dây đai nhựatúi lưới nhựa đạt chuẩn đóng gói xuất khẩu,…

Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/trung-quoc-cham-cap-ma-vung-trong-cho-nong-san-viet-4570374.html

5/5 - (3 bình chọn)
Back to top